ĐI TÌM Ý NGHĨA CỦA ĐAU KHỔ VÀ HẠNH PHÚC

Đứa bé vừa thoát thai khỏi lòng mẹ đã cất tiếng khóc chào đời, phải chăng như dấu hiệu nói lên “đời là bể khổ”. Dù muốn hay không, sự đánh dấu đau khổ cũng đã gắn liền với kiếp nhân sinh ngay từ giây phút đầu đời. Đau khổ kiếp người được ví như cái gai trong thịt.

Sống là khổ, trở thành là khổ. Đối với chúng ta, sống là trở thành, trở thành là hủy diệt cái đã hình thành để sáng tạo ra cái mới.  Một hòn đá chỉ đứng trơ trơ, không thể thêm thắt gì cho bản thân. Nhưng con người thì khác, trải qua quá trình tiến hoá, từ thời tiền sử đến nay, con người không ngừng tự thêm thắt để phong phú hóa chính mình, không ngừng vượt qua gian nan trắc trở, để phát triển và kiện toàn. Qua gian khổ, con người phát minh nhiều máy móc, dụng cụ, phương tiện… Khả năng tự làm cho mình lớn lên đã quân bình được sự đau khổ. Loài người trở nên cao trọng nhờ có khả năng tiến bộ, vì loài người bị chi phối bởi qui luật đau khổ.

Nhờ kiên trì vượt khổ ta mới có thể phát huy sâu rộng mọi khả năng đang tiềm ẩn trong con người. Có từng trải trong gian khổ, người ta mới vững vàng, bản lãnh, lão luyện, tự tin, có kinh nghiệm và năng lực dấn bước tiền phong, dẫn lối cho lớp người đi sau. Do đó, đau khổ không thể thiếu trong tiến trình thành nhân.

 

Đã hẳn đã khổ chưa?

Thật ra có những đau khổ rất chủ quan, do cái nhìn bi quan, mặc cảm, hoặc sai lạc của mình. Hầu hết nỗi khổ thường phát sinh do bất như ý : muốn mà không được, hoặc không muốn mà phải chịu, muốn thế này mà không muốn thế khác, lúc muốn lúc không… Ta khổ vì không thấy nguyên nhân từ chính mình, do dục vọng lòng mình, nên cứ đổ lỗi cho tha nhân, hoàn cảnh, trời đất… Nhiều khi cuộc đời rất an vui và hạnh phúc, nhưng ta lại biến nó thành “bể khổ”, vì ta cứ đòi được như ý mình.

Ta thường nói đến những đau khổ mình phải chịu. Thật ra có những điều làm ta đau nhưng không khổ. Từ đau tới khổ vẫn còn một khoảng cách an toàn mà nhiều ta xóa mất ranh giới của nó. Người khác có thể nói lời sỉ nhục ta, nhưng nhục hay không còn tùy sự thật và tính cách của ta. Ta có thể rất đau về lời nói đó, nhưng không khổ vì ta biết rõ bản thân mình và không chấp nhất người kia. Có thể họ nói năng cách hàm hồ làm ta đau. Đau chỉ là cảm giác nhất thời, nó thoáng đến rồi vội đi, thế thôi. Nhưng đau có thể phát sinh khổ, vì ta không muốn chấp nhận sự thật, và suy diễn theo hướng tiêu cực quá đáng.

Cũng vậy, ta thường nói tới nghèo khổ, có mấy khi ai nói tới giàu khổ. Nhưng rồi người nghèo có nỗi khổ của người nghèo, người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu. Thật ra, ta có thể nghèo nhưng không khổ. Khổ vì không chấp nhận cái nghèo. Khổ vì muốn giàu, giàu rồi muốn giàu hơn, nên giàu rồi vẫn khổ. Ta cứ bị lòng ham muốn kéo lôi và cuốn trôi, trôi lẽ sống, trôi nhân tâm, trôi cả hạnh phúc trong đời.

Cũng thế, ta thường than van làm việc cực khổ. Thật sự nhiều khi rất cực nhưng chưa hẳn là khổ. Khổ vì ta muốn an nhàn hưởng thụ mà không được, muốn vui chơi sung sướng mà không xong, muốn ăn trắng mặc trơn mà không có… nên ta phảng kháng và chống chọi lại với mình, với đời và với trời. Đang khi đó biết bao người chỉ cần có công ăn việc làm, có chút nghề nghiệp, dù rất cơ cực, bấp bênh, nguy hiểm, và với đồng lương bất xứng, nhưng họ cũng đã vui lắm rồi. Bao người vất vả lao nhọc ngày đêm, nhưng họ cảm thấy hạnh phúc vì được hy sinh cho những người thân của mình. Hơn nữa, bao người còn dám xả thân vì đồng loại, dám liều thân vì lý tưởng. Họ làm việc cực nhọc, nhưng không cực khổ, trái lại còn rất hạnh phúc.

Đau khổ, một thực tại của cuộc sống nhân sinh?

Thật ra đau khổ cũng là chuyện bình thường của kiếp nhân sinh, vì ta sống là sống chung, sống cùngsống với. Đời sống mỗi người chỉ tồn tại, phát triển trong sự liên đới và tương tác với mọi người, mọi vật. Nếu đau khổ là điều bất như ý, thì “dù ta có tài năng đến đâu, hay chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức nào, thì những điều bất như ý vẫn xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó. Hễ có thành thì phải có bại, có hợp thì phải có tan. Tại sao ta chỉ muốn thành và hợp, còn bại và tan để cho ai?” (Minh Niệm).

Điều sai trái là ta hay đặt nặng những gì mình ưa thích, và loại trừ những gì mình không thích. Thích hay không thích đều là những cảm xúc phục vụ cho cái tôi của mình trong nhất thời. Cần điều chỉnh lại nhận thức của mình cách đúng đắn thì cảm xúc đó sẽ tan rã. Ta cũng thường ham thích những gì mình không có và hay quên đi những gì mình đang có. Cái có thì bỏ, cái không lại đi tìm, tìm được lại bỏ. Cứ thế mà than vãn đời mình chẳng có gì, hoặc không có như mình muốn có. Như vậy, có bao nhiêu đi nữa thì cũng vẫn là không. Khổ là vì vậy.

Khổ hơn nữa khi người ta phá đổ bức tường nhân nghĩa và đạo đức để tìm kiếm điều mình muốn, sở hữu cho kỳ được điều mình ham, hưởng thụ cho đã điều mình thích, bất chấp hậu quả xảy ra cho mình, cho con cháu hay người khác. Cứ thế người ta chồng chất cho nhau bao đau khổ, rồi cùng nhau ngồi ca vãn bài “đời là bể khổ”.

Để tránh những đau khổ không đáng khổ, ta cần có khả năng chấp nhận sâu rộng, cần biết giới hạn những cầu mong không cần thiết, ngay cả những cái chính đáng cũng vậy, không có nó ta vẫn có thể sống vững vàng và hạnh phúc. Bớt ham muốn thì bớt lệ thuộc, để ta dễ sống thanh thản trong mọi hoàn cảnh. Dù đời nhiều biến động nhưng tâm ta vẫn không bị manh động. Hạnh phúc ở trong tâm, khi “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. 

Cần xét lại tâm trạng và đặt lại cái nhìn của mình cho đúng đắn, quân bình, ta sẽ thấy hầu hết mọi việc trong đời đang chuyển biến theo diễn trình tự nhiên của nó, để cuộc sống con người và vạn vật luôn được phát triển cân đối, hài hòa, an định. Chỉ có rắc rối và biến động từ những vọng động của lòng ta thôi.

Đau khổ vẫn là một thực tại không thể chối cải, nhưng chính trong đau khổ mà ta nhận ra con người thật của mình : dễ bị lạc đường và sợ hãi ; dễ bị xúc phạm và tổn thương ; dễ bị trấn áp và hận thù ; dễ bị lôi cuốn và sống ích kỷ ; dễ bị mặc cảm và nóng giận ; dễ bị tự ái và kiêu căng ; dễ bị yếu đuối và sa lầy… Thông qua bản năng sinh tồn, ta thấy rõ từng ngõ ngách sâu kín của phiền não tạo nên đau khổ. Từ đó ta biết cách điều chỉnh lại tâm thức và lối sống của mình sao cho hòa hợp với nhịp điệu của trời đất và nhân thế, để sự hiểu biết và tình thương trong ta bừng nở, làm nên một cuộc sống an vui và thong dong tự tại giữa cuộc đời.

Tâm thế nào nên có để xử lý những khổ đau trong đời ?

 

Đau khổ làm ta sợ hãi, nhưng đau khổ thực sự là một nhu cầu thiết yếu cho đời sống làm người. Không có đau khổ, hay thiếu vắng đau khổ trong đời, người ta “sẽ không lớn nổi thành người”, không thể hoàn thành “định mệnh” của mình, càng không thể hiểu được giá trị chân thực, sâu xa của đời sống làm người. Đau khổ có một ý nghĩa và giá trị nhất thiết để ngày càng hoàn thiện chính mình.

Nếu như sự gian ác giúp ta nhận ra tính cách chân chính của sự thiện lương, thì đau khổ cũng giúp ta nhận ra tính cách cao quí của Hạnh Phúc. Nhờ đó con người giảm bớt được những đam mê ích kỷ, những tham vọng và thoả mãn cá nhân. Và hơn khi nào hết, ta có thể hiểu thế nào là hạnh phúc. Một người hạnh phúc không phải là một người được sống trong hoàn cảnh thuận lợi nào, mà là một người có thái độ sốt tốt trước bất cứ sự đau khổ nào. Ta không thể hiểu thế nào là Hạnh Phúc nếu ta lớn lên với tâm hồn thiếu vắng và muốn né tránh đau khổ. Cuộc sống mất đi ý nghĩa tốt đẹp khi con người không thể chấp nhận đau khổ để hiểu thế nào là hạnh phúc.

Nguồn: tổng hợp từ nhiều nguồn bởi Yenszen

Shopping Cart